Các bệnh về đường tiêu hóa: 9 loại thường gặp

Các bệnh về đường tiêu hóa là vấn đề phổ biến ở hầu hết mọi người với nhiều cấp độ nặng, nhẹ khác nhau. Chúng có thể xảy ra ở mọi đối tượng, không phân biệt độ tuổi.

Với những hiểu biết nhất định về các bệnh thường gặp ở hệ tiêu hóa, bạn sẽ tiên lượng được tình trạng sức khỏe của mình để biết cách chăm sóc và nhờ đến sự hỗ trợ y tế khi cần thiết.

Dưới đây là 9 bệnh về đường tiêu hóa thường gặp nhất.

1. Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Trào ngược dạ dày thực quản là một trong các bệnh về tiêu hóa thường gặp nhất ở cả người lớn và trẻ em.

Khi axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản sẽ gây ra tình trạng trào ngược axit. Nó làm bạn cảm thấy đau rát vùng giữa ngực. Trào ngược dạ dày thực quản thường xảy ra sau bữa ăn hoặc vào ban đêm.

Thỉnh thoảng, bạn vẫn có thể bị trào ngược axit hoặc ợ nóng. Song, nếu các triệu chứng làm ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của bạn hoặc xảy ra ít nhất hai lần mỗi tuần thì rất có khả năng bạn đã mắc chứng GERD.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, nếu bạn bị ợ nóng kéo dài, hôi miệng, buồn nôn, đau tức ở ngực hoặc ở phần trên của bụng, khó nuốt, khó thở, bạn hãy đến bệnh viện để được thăm khám.

Nếu bác sĩ kết luận bạn bị trào ngược dạ dày thực quản, bạn phải kiêng các loại thức ăn, đồ uống chua, cay và uống thuốc kháng axit theo chỉ định của bác sĩ. Trong một số trường hợp khác, bạn có thể phải phẫu thuật nếu bệnh ở mức độ nặng.

2. Một trong các bệnh về đường tiêu hóa thường gặp: Sỏi mật

Sỏi mật là những chất cặn cứng hình thành trong túi mật của bạn. Túi mật là bộ phận hình quả lê có chức năng lưu trữ và tiết ra mật để hỗ trợ tiêu hóa.

Sỏi mật hình thành khi có quá nhiều cholesterol, chất thải hoặc túi mật hoạt động sai cách.

Khi sỏi mật chặn các ống dẫn từ túi mật đến ruột của bạn, chúng sẽ gây ra cảm giác đau nhói ở vùng bụng phía trên bên phải. Tình trạng này phải được điều trị bằng thuốc làm tan sỏi. Nếu không mang lại kết quả, bệnh nhân phải phẫu thuật cắt túi mật.

3. Bệnh celiac

Trong nhiều trường hợp, người mắc bệnh celiac thường bị chẩn đoán nhầm với một tình trạng khác hoặc không biết bản thân mình mắc bệnh.

Bệnh celiac là tình trạng nhạy cảm nghiêm trọng với gluten. Khi người bệnh ăn thực phẩm có chứa gluten, hệ miễn dịch của họ bị tấn công. Điều này khiến nhung mao bị tổn thương. Nhung mao là những phần nhô ra trong ruột non giúp bạn hấp thu chất dinh dưỡng từ thực phẩm.

Ở trẻ em, bệnh celiac khiến bé bị đau đụng, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, nôn và sút cân. Khi xảy ra ở người lớn, bệnh gây ra các triệu chứng như thiếu máu, mệt mỏi, loãng xương, thậm chí là co giật.

Ở một số bệnh nhân, celiac không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Các điều trị duy nhất hiện nay là không ăn thực phẩm có chứa gluten.

4. Bệnh về đường tiêu hóa: Bệnh Crohn

Bệnh Crohn cũng là một trong các bệnh về đường tiêu hóa phổ biến.

Đay là một phần của bệnh viêm ruột. Bệnh Crohn thường ảnh hưởng đến phần kết nối cuối ruột non với đầu đại tràng. Tuy nhiên, nó cũng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào ở đường tiêu hóa.

Y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh chính xác. Song, theo đúc kết của nhiều bác sĩ thì đây là bệnh có yếu tố di truyền. Triệu chứng thường gặp nhất là đau bụng, tiêu chảy, chảy máu trực tràng, sụt cân và sốt.

Cách điều trị bệnh thường là dùng thuốc giảm đau tại chỗ, thuốc ức chế miễn dịch hoặc phẫu thuật.

5. Viêm loét đại tràng

Viêm loét đại tràng là một dạng khác của bệnh viêm ruột. Nó có các triệu chứng khá giống với bệnh Crohn nhưng chỉ gây ảnh hưởng ở phần ruột già (ruột kết).

Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn nhầm lẫn thức ăn hoặc các dưỡng chất khác là “kẻ xâm lược”. Khi đó, nó sẽ gây ra một hoặc nhiều vết loét ở trong lớp lót ruột già. Nếu bạn bị tiêu chảy, có máu trong phân hoặc đau quặn ở bụng, hãy đến bệnh viện ngay lập tức.

Điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ sẽ ngăn chặn tình trạng viêm. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần có chế độ ăn uống phù hợp để kiểm soát bệnh. Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân phẫu thuật cắt bỏ đại tràng.

6. Hội chứng ruột kích thích cũng là một trong các bệnh về đường tiêu hóa thường gặp

Hội chứng ruột kích thích khiến bạn gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu như táo bón hoặc tiêu chảy trong cùng một ngày, đầy hơi, khó tiêu…

Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ. Song, cách điều trị các triệu chứng chủ yếu dựa vào chế độ ăn uống phù hợp. Người bị hội chứng ruột kích thích nên tránh các bữa ăn nhiều chất béo và các loại thực phẩm có tính kích ứng từ sữa, rượu, caffeine, nước ngọt có ga..). Thay vào đó, người bệnh cần tăng cường ăn nhiều chất xơ và bổ sung men vi sinh.

Stress cũng làm kích hoạt các triệu chứng ruột kích thích. Vì vậy, bác sĩ có thể đề nghi bạn sử dụng một số loại thuốc chống trầm cảm liều thấp hoặc trị liệu bằng liệu pháp nhận thức hành vi.

7. Bệnh trĩ

Xuất hiện máu đỏ tươi trong bồn cầu khi bạn đi vệ sinh có thể là dấu hiệu của bệnh trĩ.

Đây là tình trạng viêm các mạch máu ở cuối đường tiêu hóa. Bệnh nhân thường bị đau và ngứa ở hậu môn. Nguyên nhân chủ yếu là do táo bón mãn tính, tiêu chảy dài ngày, thiếu chất xơ trong chế độ ăn uống thường ngày.

Điều trị bệnh trĩ đòi hỏi người bệnh phải cải thiện chế độ ăn (nhiều chất xơ hơn), uống nhiều nước và tập thể dục. Các loại kem và thuốc không kê đơn có thể giúp bạn tạm thời kiểm soát triệu chứng bệnh. Bạn cần được bác sĩ thăm khám để có hướng dẫn điều trị dài hơi. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ đề nghị bạn phẫu thuật để cắt bỏ búi trĩ.

8. Viêm túi thừa

Các túi nhỏ gọi là túi thừa có thể hình thành bất cứ nơi nào có điểm yếu trong niêm mạc đường tiêu hóa. Song, chúng thường được tìm thấy trong đại tràng.

Nếu bạn có túi thừa nhưng không có triệu chứng, tình trạng này được gọi là bệnh túi thừa. Nó khá phổ biến ở người lớn tuổi và hiếm khi gây ra vấn đề gì nghiêm trọng.

Bệnh viêm túi thừa sẽ khiến người bệnh bị sốt và đau bụng. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do béo phì. Bệnh ở thể nhẹ được điều trị bằng kháng sinh và chế độ ăn lỏng để giải tỏa áp lực cho đại tràng. Bệnh nhân cũng cần được ăn nhiều chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, rau quả…

Bệnh ở thể nặng sẽ được bác sĩ đề nghị phẫu thuật để loại bỏ phần đại tràng bị ảnh hưởng.

9. Nứt hậu môn

Vết nứt kẽ hậu môn là những đường nhỏ, hình bầu dục xuất hiện trong lớp lót cuối cùng của đường tiêu hóa. Nó gây ra những triệu chứng tương tự như bệnh trĩ, chẳng hạn như chảy máu và đau rát sau khi đi vệ sinh.

Stress lâu ngày và nhu động ruột yếu là nguyên nhân gây ra vết nứt. Phương pháp điều trị tốt nhất cho một trong các bệnh về tiêu hóa này là áp dụng chế độ ăn giàu chất xơ.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng một số loại thuốc thư giãn cơ vòng hậu môn. Nếu bạn bị nứt hậu môn mãn tính, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật cơ thắt hậu môn.

Các bệnh về tiêu hóa vừa kể trên đều sẽ được cải thiện với chế độ ăn giàu chất xơ và lối sống lành mạnh. Vì thế, nếu chưa mắc bệnh, bạn hãy tích cực chăm sóc sức khỏe tiêu hóa của mình bằng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất và ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nhắn tin
Gọi ngay