Chánh kiến (Sammā-diṭṭhi) là gì ? Chánh kiến theo quan niệm của Đạo Phật

Rải rác trong Trung bộ kinh, Đức Phật và tôn giả Sāriputta thuyết về chánh tri kiến, nội dung khá dài nhưng ta có thể tóm tắt cô đọng như sau: Thấy rõ (tuệ tri) thiện và bất thiện…; Thấy rõ căn gốc của thiện và căn gốc của bất thiện;

+ Thấy rõ căn gốc của thiện là vô tham, vô sân, vô si và căn gốc của bất thiện là tham, sân và si.

+ Thấy đúng bản chất của tâm, vật, thế gian, thế giới đều là duyên sinh, vô thường, vô ngã.

Tóm lại là phải thấy rõ ngũ uẩn, thập nhị nhân duyên và Tứ Đế.

Đấy là những định nghĩa “kinh điển” mà dường như người học Phật, tu Phật nào cũng hiểu, cũng biết. Tuy nhiên,  cái “thấy” ở trên, lấy gì mà thấy? Bằng mắt chăng?  Nếu  bằng  mắt,  thì  chỉ thấy “tướng” của vật, của cảnh sắc – chứ làm sao thấy đúng, sai, chánh, tà, thiện, ác, duyên sinh vô ngã? Ồ, hóa ra có sự tham dự của ý  thức,  nhận  thức,  của  tư  duy  và   cả “tuệ   tâm   sở”!   Còn nữa, “diṭṭhi” đâu phải chỉ có nghĩa là “kiến” là “thấy”; nó có rất nhiều nghĩa: Là lòng tin, sự tin tưởng; là giáo điều, giáo lý; là quan điểm, là lý thuyết, học thuyết; là sự suy xét, sự suy nghĩ, sự nghiên cứu…

Hóa ra, khi “kiến, thấy” là toàn bộ thân tâm thấy, nghĩa là toàn bộ sự vận hành của lục căn, lục trần và lục thức (tức 18 giới); và sự thực ấy, nó như sau:

  • Mắt thấy sắc đúng như thực (nó sao thì thấy nó như vậy, đúng như mà nó là…): Chánh kiến
    • Tai nghe âm thanh như thực (như trên): Chánh văn
    • Mũi ngửi hương như thực (như trên): Chánh giác
    • Lưỡi nếm vị như thực (như trên): Chánh giác
    • Thân xúc chạm như thực (như trên): Chánh giác
    • Ý biết pháp như thực (như trên): Chánh tri

Tóm tắt là chánh kiến, chánh văn, chánh giác, chánh tri; rút gọn nữa là chánh tri kiến hay chánh kiến.

Tuy nhiên, người học Phật, tu Phật không dễ gì mà có ngay chánh kiến ấy, vì còn nhiều tập khí trong nội tâm, được tích lũy từ vô lượng kiếp nó trào vọt ra, nó tác động duyên sanh làm cho tham sân si nổi lên, chi phối cái nhìn, cái thấy. Lại nữa, trong xã hội hiện nay, do tập quán nhiều đời, do văn hóa cục bộ hoặc thiếu nền tảng nhân văn, nhân bản, do tôn giáo thần vật cùng những học thuyết, chủ thuyết sai lầm làm cho con người không còn giữ được cái nhìn trong sáng, nguyên sơ, trinh tuyền (Giải nghĩa: Gần đồng “một” tư tưởng: Lão Tử nói “Kiến tố bảo phác” – thấy cái trong trắng, trinh tuyền để giữ cái thuần phác! Hoặc “Xích tử chi tâm” – cái tâm trong sáng, hồn nhiên của đứa con đỏ (hài nhi)…) như nghĩa chánh kiến ở trên nữa. Do vậy, về phương diện tại thế, lúc tu tập, ta chỉ cần xa lánh, loại trừ tà kiến là có được chánh kiến hữu vi này.

Tà kiến là thấy sai, thấy lệch, thấy nghiêng, thấy một bên, thấy một phía, thấy phân rời, thấy chia manh xẻ mún; không thấy được cái chơn, cái thực, cái toàn diện, cái toàn bộ thực tại. Như chuyện năm người mù sờ voi, ai cũng đúng cả, đúng từ cái thấy biết cục bộ của mình, mà không đúng với “thực-tại-toàn-bộ-con-voi”! Tuy nhiên, mới thấy tà như vậy mà chưa hành động thì còn đỡ. Người thấy tất cả cái tà ấy, còn chấp cái tà ấy là chánh, là sự thật; rồi còn ra sức bảo vệ, phát triển quan điểm lệch lạc ấy nữa, mới chính thật là tà kiến. Và đây là một số tà kiến đang lộng hành và tung bụi mù xấu ác vấy độc thế gian này:

  • Quan điểm cho rằng, bố thí hoặc những việc làm lành tốt cho xã hội, nhân sinh là việc làm của người dở hơi.
  • Quan điểm cho rằng, không có kết quả của thiện nghiệp, ác nghiệp trên đời này.
  • Quan điểm cho rằng, ân, hiếu, nghĩa, tình gì gì đó đối với cha mẹ, vợ chồng, con cái chỉ là trò bày đặt, là màn kịch của nhân sinh.
  • Quan điểm, cho rằng, chẳng có lý nhân quả, luân hồi tái sanh gì hết, đó chỉ là bóng khói mù sương huyễn hoặc của tôn giáo, tín ngưỡng của những tâm thức sơ khai.
  • Quan điểm cho rằng, cái gì cũng có cả, cái gì cũng không cả; lại vừa có, vừa không, lại không có, không không!
  • Quan điểm cho rằng chết là hết, không còn gì, cát bụi trả về cho cát bụi.
  • Quan điểm cho rằng, không có kiếp này, kiếp kia, không có thiện ác, không có thiên đường, địa ngục, không có nhân quả báo ứng và không có cả đạo đức, luân lý trên thế gian.
  • Quan điểm cho rằng, có một linh hồn, một tự ngã thường hằng bất biến, không thay đổi, đầu thai từ kiếp này sang kiếp kia.
  • Quan điểm cho rằng, tất cả tu sĩ từ xưa đến nay chẳng chứng đắc, chẳng thấy, chẳng giác ngộ gì hết. Tuyệt đối không có thánh nhân trên đời này. A-la-hán, Phật cũng chỉ là nhân vật hư cấu, huyền thoại.

Như vậy, những tà kiến ấy đã đầu độc thế gian, làm cho thế gian đổ nát, hoang vu, điêu tàn, băng hoại. Nó thiêu huỷ, đốt cháy đạo đức, nhân luân, nhân tính cùng các giá trị tinh thần thiêng liêng, cao cả khác. Ngoài ra, rải rác trong kinh điển, còn có những cái gọi là biên kiến, kiến kiết phược, kiến hoang vu, kiến sa mạc, kiến điên đảo, kiến rừng rậm đều là bà con họ hàng với tà kiến cả.

Người Phật tử phải biết chuyển cái thấy sai thành cái thấy đúng, cái thấy nghiêng lệch bằng cái thấy chính chơn, cái thấy cục bộ bằng cái thấy toàn diện. Tuy nhiên, chỉ cần thấy ra mọi tà kiến, thấy ghê tởm, ghê sợ mọi tà kiến kể trên thì tâm ta bắt đầu bước sang lãnh vực chánh kiến rồi vậy. Từ đây, từ sự thấy biết chơn chánh, đúng đắn này, nhìn ngắm bản thân và thế giới, quan sát, minh sát nó để thấy rõ mọi kết hợp, giả hợp vô thường; thấy rõ thực tướng của mọi hữu vi pháp; đến chỗ này thì chánh kiến này đã đồng nghĩa với tuệ tri rồi vậy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one