Nói hay không nói
Khi Sư đăng các bài viết trên mạng, chủ yếu là để Phật tử hiểu về các vấn đề của Phật giáo hiện tại. Bên cạnh đó, có một số người vào đả kích, bình luận: tu hành mà còn sân si, còn phân bua, còn lo sợ, nên im lặng, không phân bua, còn lên tiếng là chưa thực sự tu hành,v.v…
Thưa quý vị! Nếu chúng ta học Phật mà áp dụng giáo lý không đúng lúc, không đúng thời điểm và hoàn cảnh thì xem như không thiết thực. Có những lúc cần phải im lặng nhưng có lúc cần phải lên tiếng.
Nếu im hơi lặng tiếng, mặc cho ai làm gì thì làm, thì giống như pháp nạn Phật giáo Hàn Quốc năm 1990 dần bị suy tàn. Và nếu chư Tăng Ni, tín đồ Phật tử im lặng trước pháp nạn năm 1963; không đứng lên biểu tình, phản đối thì Phật giáo có duy trì được đến ngày hôm nay không?
Chúng tôi lên tiếng để bảo vệ Phật Pháp cho những người tu tập chân chính. Người ngay thì chẳng sợ gì cả. Lên tiếng không phải là e sợ điều gì. Sinh tử còn không sợ thì nhằm gì ba cái chuyện linh tinh? Một khi đã dấn thân thì sợ gì?
Đã là nhập thế vào đời theo tinh thần Bồ Tát hạnh, nếu ngại nắng, ngại gió thì đừng bước ra đường. Nếu chúng ta học Phật mà không hiểu được triết lý lời Phật dạy thì chỉ là học trên lý thuyết suông mà thôi.
Xã hội có nhiều tầng lớp khác nhau, không phải ai cũng hiểu hết tất cả mọi sự vật, hiện tượng trên cuộc đời này. Nhưng việc phê phán hay bình luận của mỗi người cũng thể hiện sự hiểu biết ở một mức độ nào đó.
Nếu nói người tu hành là phải hiền hậu, ai nói gì cũng dạ, đúng sai gì cũng vâng, không phân định được phải trái thì là dạng khù khờ, chứ không phải là người hiền theo nghĩa hiền trí. Người hiền ở đây là chỉ cho người hiền trí, là người hiền có trí tuệ, hiểu biết, phân định được chánh và tà, đúng và sai. Vậy nên từ bi phải đi đôi với trí tuệ.
Do đó, im lặng trước cái ác, im lặng không đúng lúc, không đúng thời điểm là tự mình hại mình mà thôi.
Chúc tất cả quý Phật tử thân tịnh, tâm an!