Hơi thở chánh niệm

Sau đây là bài kệ ngắn ta có thể học thuộc lòng để sử dụng trong khi thực tập hơi thở chánh niệm.

Vào, ra
Sâu, chậm
Khỏe, nhẹ
Lắng, cười
Hiện tại, tuyệt vời

Hai chữ đầu: “Vào, ra” có nghĩa là “Thở vào, tôi biết tôi thở vào; thở ra, tôi biết tôi thở ra”. Khi thở vào, ta chỉ chú tâm tới hơi thở vào. Không suy nghĩ, hoàn toàn chú tâm vào hơi thở vào. Cũng vậy, khi thở ra, ta hoàn toàn chú tâm vào hơi thở ra. Đây là bài tập đầu tiên. Ta tiếp tục nói thầm “Vào, ra” trong khi thở và theo dõi suốt chiều dài của hơi thở vào và hơi thở ra.

Đừng để tâm ý chạy lăng xăng xa rời hơi thở: “Thở vào, tôi biết… trời ơi, mình quên không tắt đèn trong phòng!” Như thế không phải là chú tâm, bởi vì tâm đang nhảy từ chuyện này sang chuyện khác. Phải theo dõi hơi thở từ đầu đến cuối. Hơi thở chỉ kéo dài bốn hay năm giây đồng hồ. Ai cũng có thể chú tâm một trăm phần trăm vào suốt chiều dài một hơi thở. Thực tập hơi thở chánh niệm vào ra trong một phút, ta dừng được suy nghĩ một phút. Thật tuyệt vời khi ta được ngưng suy nghĩ và sống.

Hầu hết suy nghĩ của chúng ta là chướng ngại cho việc sống, bởi vì khi miệt mài suy nghĩ thì ta không “có mặt”, không thực sự sống, không tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. “Tôi suy tư, nên tôi không hiện hữu.” “Tôi suy tư nên tôi bị lạc trong rừng suy tư.” Bị lạc trong suy tư nghĩa là không hiện hữu.

Giả sử con trai hay con gái bạn đang bên cạnh bạn mỉm cười đẹp như một bông hoa. Nhưng bạn lại đang bận suy tư về quá khứ, tương lai, về những dự án, hay đang lo lắng buồn khổ, tức là bạn đang bị lạc trong suy tư. Khi đó con trai hay con gái bạn không có đó cho bạn, bởi vì bạn không có đó cho các con. Bạn đang ở đâu đó trong rừng suy tư. Chỉ cần bạn không bị suy tư cuốn hút thì bạn đã có mặt trong hiện tại rồi, bây giờ và ở đây, để có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống, đó chính là con trai, con gái của bạn.

Chỉ cần một hơi thở vào và một hơi thở ra cũng đủ để ta ngưng thói quen suy nghĩ và trở về với giây phút hiện tại – bây giờ và ở đây. Khi thở có chánh niệm thì tâm lập tức trở về với thân. Trong cuộc sống hằng ngày, thân ta có thể ở đây nhưng tâm đang phiêu bạt nơi nào. May mắn thay, chúng ta có hơi thở. Hơi thở là nhịp cầu nối thân và tâm. Ngay khi thở một hơi thở chánh niệm, thân tâm tức khắc hợp nhất. Thật là tuyệt diệu, thật là dễ dàng, chẳng cần tốn bao nhiêu thì giờ, năm hay mười giây đồng hồ là cùng, bỗng nhiên ta hết tán loạn, ta có chánh niệm, có định tâm. Bởi vì khi thân và tâm hợp nhất thì ta thực sự có mặt. Ta thực sự có mặt thì những điều khác cũng có mặt, sự sống có mặt, những người thương có mặt.

Khi lái xe, ta phải chú tâm tới hơi thở vào ra. Phải thực sự có mặt trong khi lái xe thì lái xe mới an toàn. Khi tưới hoa, ta cũng thực tập hơi thở để thực sự có mặt thưởng thức những bông hoa và có niềm vui trong khi tưới hoa.

Khi đã biết cách thực tập hơi thở chánh niệm trong khi lái xe, rửa bát, đi bộ, ta mời những người thân trong gia đình cùng thực tập. Cả nhà cùng ngồi thực tập hơi thở chánh niệm với nhau, tận hưởng sự có mặt của nhau, đầm ấm và bình an. Không cần phải xem tivi. Rồi sau đó ta chia sẻ thực tập với bạn bè trong công ty. Ta có thể bày cho họ phương pháp tự chăm sóc khi mệt mỏi, khi xúc động, khi đau buồn.

Đến đây, xin mời bạn tạm ngưng đọc trang này và ngay bây giờ mời bạn thực tập hơi thở vào ra trong một, hai, hay ba phút cho đến khi thực sự chú tâm vào hơi thở. Bạn sẽ khám phá ra rằng phẩm chất của hơi thở tăng lên rất nhanh. Đừng cố gắng làm cho bằng được. Cứ để tự nhiên rồi hơi thở vào sẽ sâu hơn, và hơi thở ra sẽ chậm hơn, thư thái hơn, êm dịu hơn.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh –

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one