Không làm các điều ác

Vào thế kỷ thứ 8, đời nhà Đường ở Trung Quốc, có một quan thứ sử tên là Bạch Cư Dị. Ông đỗ tiến sỹ năm 27 tuổi, tính tình phóng khoáng cương trực, là một thi hào nổi tiếng thời bấy giờ. Một lần đi qua một ngọn núi, ông nhìn thấy một nhà sư ngồi vắt vẻo trên cành cây cao dưới cái vòm giống như tổ chim. Vị sư này có biệt danh là Ô Sào thiền sư (Ô sào nghĩa là cái tổ quạ). Bạch Cư Dị thấy lạ, liền hỏi:👉

Giới luật nhà Phật cấm leo cây, sao sư lại trèo cao thế?

Thiền sư nói vọng xuống:👉 Ta leo cây là để độ chúng sinh. Leo cây là việc của ta mắc mớ gì tới ông?

Bạch Cư Dị ngước lên cao thấy cành cây lung lay như sắp gãy, lại nói vọng lên:👉 Sao sư lại ngồi ở nơi nguy hiểm quá vậy?

Thiền sư cúi xuống đáp:👉 Chỗ ngồi của thứ sử còn nguy hiểm hơn nhiều!

Bạch Cư Dị ngạc nhiên, sao ông ấy lại biết mình làm thứ sử, lấy làm hoài nghi lắm:👉 Ta là viên quan trọng yếu của triều đình, địa vị trấn cả giang sơn, có gì mà nguy hiểm?

Thiền sư Ô Sào thủng thẳng:👉 Chốn quan trường hiểm ác, vì tranh quyền đoạt lợi mà sẵn sàng hãm hại lẫn nhau. Chỗ ngồi của ngài, trên thì là vua mà dưới là các quan và trăm họ. Vua thương thì quần thần ghét, được lòng dân thì mất lòng vua. Tính mạng của đại quan và họ hàng gia quyến đều lệ thuộc vào lòng thương ghét của vua và sự tị hiềm của mọi người. Một chiếc ghế được kê trên đầu lưỡi của thiên hạ thì không nguy hiểm sao được?

Bạch Cư Dị chợt tỉnh ngộ, biết sư là bậc cao thâm liền hỏi tiếp:👉 Vậy đệ tử phải làm thế nào?

Thiền sư bình thản đọc bài kệ:

Không làm các điều ác

Làm tất cả điều lành

Tịnh hóa tâm ý mình

Là lời chư Phật dạy

Bạch Cư Dị nghe xong thầm nghĩ: “Tưởng là thiền sư sẽ khai thị cho mình đạo lý thâm sâu, ai ngờ ông ta lại nói ra những điều quá đỗi tầm thường!”Lòng tràn trề thất vọng, Bạch Cư Dị nói:👉 Đạo lý này đứa bé ba tuổi cũng nói được!

Thiền sư Ô Sào mỉm cười:👉 Đúng thế, đứa bé ba tuổi cũng nói được, nhưng ông lão tám mươi tuổi cũng chưa chắc đã làm xong!

Bạch Cư Dị lãnh hội, cúi đầu đảnh lễ rồi từ giã thiền sư ra về. Sau này, ông thường lui tới đàm đạo với các tu sĩ Phật giáo, xưng là Hương Sơn cư sĩ.

– Sưu tầm –

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one