Là người đệ tử Phật, ngày đêm nên chí tâm, nhớ nghĩ và tư duy, về tám điều giác ngộ, của các bậc Đại nhân.
Điều Giác Ngộ Thứ Nhất:
Thế gian vốn vô thường, cõi nước rất mong manh, bốn đại lại khổ không, năm ấm là vô ngã, luôn sinh diệt biến đổi, giả dối không có chủ, tâm là nguồn việc ác, thân là rừng nghiệp tội, nếu quán sát như thế, dần dần lìa sinh tử.
Điều Giác Ngộ Thứ Hai:
Tham muốn nhiều là khổ, bao sinh tử nhọc nhằn, đều từ tham dục khởi, nếu ít muốn biết đủ, thân tâm được tự tại.
Điều Giác Ngộ Thứ Ba:
Tâm nếu không biết đủ, chỉ lo việc tham cầu, sẽ tăng thêm tội ác, Bồ Tát không như vậy, thường nhớ đến tri túc, vui cảnh nghèo giữ đạo, lấy tuệ làm sự nghiệp.
Điều Giác Ngộ Thứ Tư:
Lười biếng phải sa đọa, nên thường hành tinh tấn, để phá phiền não ác, chiết phục cả bốn ma, ra khỏi ngục ấm giới.
Điều Giác Ngộ Thứ Năm:
Ngu si phải sinh tử, nên Bồ Tát thường nhớ, luôn học rộng nghe nhiều, để tăng trưởng trí tuệ, và thành tựu biện tài, rồi đem niềm vui lớn, giáo hóa cho tất cả.
Điều Giác Ngộ Thứ Sáu:
Nghèo khổ hay oán hờn, thường kết nhiều duyên ác, Bồ Tát hành bố thí, bình đẳng với oán thân, không nhớ đến lỗi cũ, không ghét bỏ người ác.
Điều Giác Ngộ Thứ Bảy:
Năm dục là tai họa, thân dẫu ở cõi tục, nhưng không nhiễm dục lạc, thường nhớ nghĩ ba y, bình bát và pháp khí, chí nguyện người xuất gia, luôn giữ đạo trong sạch, thực hành hạnh thanh tịnh, từ bi với tất cả.
Điều Giác Ngộ Thứ Tám:
Sinh tử luôn thiêu đốt, khổ não thật vô biên, nên phát tâm Bồ đề, tu hành cầu Thánh đạo, cứu độ khắp tất cả, nguyện thay thế chúng sinh, gánh chịu vô lượng khổ, khiến cho tất cả loài, đều được đại an lạc. Tám điều nói trên đây, chư Phật và Bồ Tát, đã tự mình giác ngộ, và tinh tấn hành đạo, tu từ bi trí tuệ, nương theo thuyền Pháp thân, đến nơi bờ Niết bàn, rồi trở lại sinh tử, độ thoát các chúng sinh, cũng đem tám điều này, chỉ dạy cho tất cả, khiến mọi loài chúng sinh, biết được sinh tử khổ, xa lìa năm món dục, tu tâm theo Thánh đạo. Nếu người đệ tử Phật, tư duy tám điều này, sẽ ở trong mỗi niệm, diệt được vô lượng tội, thẳng tiến đến Bồ đề, mau thành tựu Chính giác, dứt hẳn đường sinh tử, thường an trú tịnh lạc.