Hiểu đúng về Tăng Đoàn theo lời Đức Phật dạy


CÂU HỎI:

Con kính thưa Cô, theo con được biết, một người nam đi xuất gia gồm 3 bước:

•⁠ ⁠Mới xuất gia được gọi là Sư chú

•⁠ ⁠Khi thọ 10 giới được gọi là Sa di

•⁠ ⁠Khi thọ 250 giới được gọi là Tỳ kheo

Một Tăng đoàn trong đó phải có các vị Tỳ kheo mới được gọi là tập thể Tăng đoàn.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, con thấy sư Thích Minh Tuệ được cộng đồng mạng tung hô là Phật, là Thánh, nhưng trong đoàn của sư Minh Tuệ có rất nhiều người tự xuống tóc cho nhau, rồi đắp y vào, và những người đó tự gọi hội chúng của mình là Tăng đoàn.

Con không biết như thế có đúng với lời Phật dạy hay không. Con xin Cô cho con biết để con gọi cho đúng với ạ, vì con cũng được biết là tán thán những điều không đáng tán thán sẽ có nhân sinh vào địa ngục, còn tán thán những điều đáng tán thán có nhân sinh lên cõi trời.

Con xin cảm ơn Cô ạ!

CÔ PHẠM THỊ YẾN TRẢ LỜI:

Chào em! Theo kinh sách, Đức Phật chỉ dạy như sau:

Ý Nghĩa

Tăng đoàn đệ tử Phật: là tập thể những người xuất gia, sống không gia đình, với lý tưởng giải thoát, học tập và thực hành theo lời dạy của Đức Phật.

Đời sống

Tứ sự: (chỗ ở, vật thực, thuốc men, y phục).

Do tín thí cúng dường, qua các hình thức: trì bình khất thực tại các thôn xóm…hoặc tín chủ cúng dường tại các tinh xá, chùa, khu rừng… nơi Chư tăng an trú.

Tu hành

Để có được kết quả giải thoát, thì hành giả cần học, cần tu thông qua các môn: Văn-Tư-Tu và Giới-Định-Tuệ. Đây là các môn học tu, mà bất cứ người đệ tử Phật chọn pháp môn tu là gì (Thiền, tịnh, mật…), cũng phải thực hành.

Người vừa xuất gia, cũng như đã thọ Tỳ Kheo, cần phải học giáo lý để thâm nhập tri kiến Phật hay gọi là thâm nhập chánh tri kiến, là bước đầu tiên cần phải có trên lộ trình giải thoát (Bát chánh đạo).

Tiếp đến, trong ngày cần có thời gian tư duy về chánh kiến, để thanh lọc các phần tà kiến trong tâm trí và tư duy để nói và làm theo chánh kiến (sống với chánh pháp). Về thân phải học oai nghi, tập chánh niệm; Về khẩu thì phải biết được nói gì, với đối tượng nào, những gì không nên nói…; Cần có thời gian quán sát tâm, vọng tưởng… Đó gọi là chánh tư duy…

Tăng đoàn, cần cử ra các bậc có tri kiến, có pháp hành…để lo bao quát cho chúng, dạy dỗ chúng thực hành các môn tu trên và thành tựu cho chúng với bảy thứ tài sản mà Đức Phật để lại đó là: tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài và tuệ tài.

Đức Phật quy định: Người mới xuất gia, thì thọ Sa Di thực hành 10 giới và sau sẽ thọ lên Tỳ kheo (250/348 giới), mục đích là để phù hợp với sự học và thực hành.

Thành phần hội chúng – Hội chúng thanh tịnh.

Ngoài sự ứng xử: quan tâm, chia sẻ, chân thật không giấu giếm nhau điều gì, sống bằng đồ khất thực một cách vừa đủ, thì mỗi cá nhân cần có yếu tố sau mới được gọi là Tăng đoàn thanh tịnh, Tăng đoàn hoà hợp:

“Này các Tỳ-kheo, vị Tỳ-kheo đối với các Giới Luật không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không bị uế nhiễm, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đi đến Thiền định, Tỳ-kheo sống thành tựu Giới Luật trong các Giới Luật ấy đối với các vị đồng Phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng (các vị cần phải được học về giới, về luật oai nghi…để có kiến thức thực hành thiền định).

Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo đối với các tri kiến thuộc bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chơn chánh diệt tận khổ đau, Tỳ-kheo sống thành tựu tri kiến với các tri kiến như vậy đối với các vị đồng Phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng (các vị cần phải được học về chánh tri kiến, học cách tư duy)” (Trích từ: Bài kinh Cần Phải Nhớ 2; Kinh Tạng Nam Truyền, Tăng Chi Bộ Kinh – Tập 3, Chương 6: Sáu Pháp, Phẩm Cần Phải Nhớ, tr. 339-340).

Trên đây là ý, là lời Đức Phật dạy thông qua các bài kinh, em hãy tự mình tu duy và đưa ra sự đánh giá theo đúng chánh tri kiến, để tránh đi những sự mê lầm và đây cũng là nhiệm vu của người Đệ tử Phật cần học cần thực hành trên lộ trình giải thoát: Sống với chánh tri kiến.

Về việc của người được gọi là Sư Minh Tuệ và đoàn người đi cùng, Tâm Chiếu Hoàn Quán xin không đưa ý kiến.

Chúc em và gia đình được an vui và tinh tấn trong các thiện pháp, trong chánh kiến và giới luật của Đức Phật!

Nguồn: Phạm Thị Yến (Tâm Chiếu Hoàn Quán)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nhắn tin
Gọi ngay