Tu là gian khổ

Mọi người sống trên đời, trong thẳm sâu tâm hồn mình ai cũng muốn đi tìm sự sung sướng.

Do đó, khi ta đến với bất cứ một tôn giáo, hay một triết thuyết nào trên thế giới cũng đều được hứa hẹn là ta sẽ có một cuộc sống tốt đẹp, sung sướng, an lạc.

Tuy nhiên, nếu tin vào nhân quả thì ta phải hiểu một điều “Không có gì là không công bằng.” Nếu là một sự sung sướng, hạnh phúc tột cùng thì phải có cái nhân xứng đáng với quả phúc đó.

Tu là để sung sướng nhưng cái sung sướng trong tu không phải khoái cảm hay cảm giác của con người.

Sung sướng trong tu là một cảm giác vô ngã, sáng suốt, an lành, thanh tịnh và nằm trong thiền định. Tâm ta vắng lặng, thanh tịnh, vô ngã thì đó là hạnh phúc của đạo. Hạnh phúc đó nhiều cũng không sao. Tâm càng hư vô chừng nào, bản ngã ta càng biến mất chừng nào thì hạnh phúc đó càng lớn”. Cho nên, ý nghĩa hạnh phúc sung sướng mà ta hiểu trong đạo Phật, khác hẳn hoàn toàn với kiểu vui sướng của thế gian. Khi nào tâm ta nhiếp trong thanh tịnh mà hạnh phúc đó ta nhận ra được thì đây mới là cái hạnh phúc vô hại. Cứ càng thanh tịnh, càng an lạc chừng nào thì càng lợi ích chừng đấy.

Tuy nhiên khi tu, chúng ta chẳng bao giờ tìm hạnh phúc, dù là hạnh phúc loại nào (vô hại hay an lành). Mục đích tu hành cuối cùng của chúng ta là tìm sự giải thoát khỏi vô minh, khỏi chấp ngã, khỏi trầm luân. Nhưng khi ta đạt được sự giải thoát thì vô tình ta đạt luôn sự an lạc vô hạn.

Cho nên, đạo Phật dùng từ an lạc là vậy. Hạnh phúc trong đạo Phật có chữ “An”, nghĩa là càng hạnh phúc chừng nào thì tâm càng bình an chừng ấy, trong khi cái khoái cảm của thế gian thì đầy xao động bất an. Nhưng để đạt được chữ “An” đó thì ta phải tu hành rất vất vả. Nên nhớ, để đi tìm được mục tiêu vô ngã, giải thoát, giác ngộ thì con đường đi rất là dài, công lao bỏ ra rất nhiều, chí nguyện ta phải kiên cường, chứ chẳng phải không khổ công, tu nhàn nhàn mà có được.

Tu là gian khổ nhưng không có nghĩa “Tu” là đi tìm cái khổ. Mục tiêu của đạo Phật không phải là đi tìm cái khổ, không phải là đày đọa thân xác mà là làm sao cho hết vô minh, chấp ngã (đó mới là giải thoát). Đồng thời, “Tu” cũng không có nghĩa là đi tìm cái sung sướng.

Phải luôn tâm niệm rằng:

“Con không nguyện về nơi sung sướng

Mà chỉ mong đúng hướng chân tu

Dẫu qua nghìn vạn xuân thu

Một lòng mong thoát ngục tù vô minh”.

Khi vào chùa tu thì phải phát nguyện thành Phật, cứu độ chúng sinh, dù con đường đó có đi qua vô lượng kiếp cũng không nản, bằng không, nếu chỉ tu cho vui thì mình cứ làm bụi bặm, cỏ bay gì đó sơ sài, rất là phí.

Lại nữa, tu là gian khổ. Gian khổ gồm hai ý nghĩa, đó là cực và lâu. Đồng thời trong tâm ta luôn có sẵn một khuynh hướng là chán nản. Cho nên, điều ta phải chiến đấu là sự chán nản trong lòng mình khi làm cái gì lâu quá mà chưa có kết quả.

Cái gì mà tốn nhiều thời gian, công sức thì sẽ làm cho ta nản chí muốn bỏ cuộc, nhưng tu thì cả nghìn kiếp, dù cực khổ vẫn cứ đi mãi… đi mãi, không được nản chí, không quay lại, không bỏ gánh nặng tu tập xuống. Gánh nặng đó là sự tinh tấn, công đức mà ta phải tạo, công phu mà ta tu hành hàng ngày. Chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn của mình quyết liệt như vậy.

Thật ra, cái quả làm Phật, làm Thánh, cái quả giác ngộ giải thoát là cái quả phi thường thì cái nhân tích lũy cũng phải rất lớn (tức cái nghiệp, cái phúc phải rất cao tột). Còn cái gì mau, ít cực khổ thì làm sao có được kết quả phi thường.

Do đó, ta phải tu ít nhất 30 kiếp thì mới thấy cái quả đã gieo. Người nào nghe nói tu 30 kiếp mới bắt đầu thấy kết quả mà vẫn vui vẻ chấp nhận thì đó là người có trí tuệ trong đạo. Còn người nông cạn, trí tuệ ít, chỉ đòi thấy cái trước mắt thì không vượt qua được cõi luân hồi sống chết. Với quan điểm này, điều phi thường sẽ tới ở vài chục kiếp sau để họ kiên trì tu hành.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one